Mục lục
Mỗi khi một tựa game mới ra lò, nhất là game bom tấn AAA, anh em chúng ta ai nấy cũng lấy làm hân hoan, vui sướng vì cuối cùng thì cũng được chơi tựa game mà mình mong đợi trong bao tháng ngày qua.
Nhưng cuộc sống mà, nào ai biết được một chữ “ngờ”. Cứ ngỡ là game bom tấn, nhưng hóa ra lại là… “bom xịt”. Chẳng hạn như số lượng người chơi đông như quân Nguyên, khiến máy chủ “thất thủ”; trục trặc về đồ họa trong game; hoặc lỗi màn chơi khiến game thủ không thể đi tiếp được.
Tất nhiên, sau cú tuột dốc không phanh đó thì có những game “hồi phục” lại được, trở thành một “công dân” có ích cho xã hội. Nhưng cũng không thiếu tựa game cho đến giờ vẫn chưa tìm được… cái phanh.
Sau đây là 10 tựa game có khúc đề-pa không được suôn sẻ cho lắm.
Fallout 76
Fallout 76 là một trường hợp khá đặc biệt, chưa kịp thả bom là nó đã… “xịt” demo trước một lần rồi. Cụ thể là trong đợt beta, game thủ chỉ được phép vào chơi vài giờ trong ngày, vài ngày trong tuần, và những giờ này thường cũng chả ai rảnh để vào chơi. Thậm chí, nó còn bắt game thủ phải tải lại nguyên bản beta nặng 45GB lần thứ nhì, và sau khi chơi xong thì nằm lì trong ổ cứng luôn, không cho gỡ ra.
Vào ngày ra mắt, nhà phát triển Bethesda đã cẩn thận “rào trước cản sau”, thông báo là khả năng cao sẽ có lỗi trong game, nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Cụ thể, phiên bản PC bị thiếu mất những chức năng cơ bản như push-to-talk (ấn nút để chat voice), chat bằng chữ, hỗ trợ màn hình ultrawide 21:9, và thậm chí còn thiếu cả những option tùy chỉnh cấu hình cơ bản như depth of field (độ sâu trường ảnh), field of view (độ rộng góc nhìn), tắt V-sync và motion blur. Có thể bạn không tin nhưng nó còn thiếu cả thanh chỉnh độ sáng (brightness) trong game nữa đấy. Sau đợt đó thì Bethesda đã bổ sung vào rồi.
Tồi tệ hơn, phiên bản Power Armor Edition trị giá 200USD (khoảng 4.700.000VNĐ) còn bị delay, khiến Bethesda phải gửi code cho game thủ vào chơi đỡ trong lúc chờ nhận “hàng”. Bị kịch lại tiếp diễn khi “hàng” nhận được lại không giống với miêu tả trên trang web. Và Bethesda bồi thường bằng cách gửi vào tài khoản game thủ 500 Atoms, tương đương… 5USD (khoảng 120.000VNĐ), còn chả đủ để mua vật phẩm trong game. Cũng may mà hồi tháng 6 vừa rồi, tức 7 tháng kể từ khi game ra mắt, Bethesda đã gửi lại đúng “món hàng” như đã quảng cáo trên trang web.
No Man’s Sky
Đây là một bài học điển hình cho việc hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều. Khi ra mắt, No Man’s Sky gặp phải vô số vấn đề, từ việc tuột fps (frames per second – khung hình/giây), giật hình, xé hình, game bị crash ngay khi mới mở lên hoặc khi xem bản đồ, cho đến việc phải restart game mỗi khi Alt+Tab ra ngoài. Và sau một bản vá lỗi nặng gần 1GB thì mọi chuyện vẫn “u như kỹ”.
Nhưng có lẽ điều khiến game thủ thất vọng nhất chính là việc họ không thể gặp gỡ nhau trong game, trái ngược hoàn toàn với những gì mà Hello Games đã hứa hẹn trước đó. Tin vui là Hello Games vẫn nhất quyết không từ bỏ No Man’s Sky. Họ liên tiếp tung ra nhiều bản cập nhật miễn phí nhằm cải thiện trải nghiệm của game thủ, bao gồm nhiều tính năng mới như thêm xe cộ, cho phép xây trạm không gian, quản lý đội bay, và thậm chí mới đây còn hỗ trợ thêm cả công nghệ thực tế ảo VR. Và tất nhiên là game thủ đã có thể chào nhau khi tham gia mục multiplayer.
Batman: Arkham Knight
Những tưởng phần “đáp cánh” của series Batman Arkham sẽ kết thúc một cách hoành-tá-tràng, nhưng đời không như là mơ. Với hai phần trước đó là Arkham Asylum và Arkham City, nhà phát triển Rocksteady Studios đã rất thành công, và hai tựa game này cũng giành về cho mình nhiều giải thưởng danh giá. Ấy vậy mà không hiểu sao đến phần Arkham Knight, Rocksteady làm ăn thế nào mà phiên bản PC lại bị dính lỗi còn nhiều hơn cả số lượng câu đố của Riddler trong game.
Bản PC “được tối ưu” một cách khá thậm tệ: texture thì bị lỗi, fps thì bị khóa ở con số 30, menu option thì rất sơ sài. Chẳng hạn, game thủ chỉ có hai sự lựa chọn cho thiết lập texture: Normal hoặc Low. Nói một cách vui vẻ thì 6700K và GTX 980 Ti lúc đó vẫn “chưa đủ trình” với Batman đâu.
Batman: Arkham Knight bị game thủ PC phản đối nhiều đến mức nhà phát hành Warner Bros phải tháo game xuống để sửa lỗi. 4 tháng sau ngày phát hành chính thức, Arkham Knight trở lại, và vẫn ăn hại không thua gì 4 tháng trước. Phải sau nhiều đợt “trị liệu” nữa thì Batman mới “đánh đấm” bình thường trở lại được.
SimCity (2013)
Những fan gạo cội của series mô phỏng thành phố của nhà phát triển Maxis đã tỏ ra bất bình trước việc SimCity (2013) bắt buộc họ phải chơi ở chế độ online, cho dù là đang chơi một mình đi chăng nữa. Ngoài ra, việc save game cũng gặp những trục trặc không nhỏ vì phải lưu trên máy chủ của EA.
Tuy nhiên, có một vấn đề to lớn hơn đó là người chơi không thể vào game ngay trong ngày ra mắt. Ngày hôm sau cũng thế, thậm chí cả một tuần sau đó… cũng vậy nốt. Phải đợi đến khi EA tắt bớt một số tính năng thì người chơi mới vào trong game được. Đến đây thì lại có một “tin vui” khác: kích thước thành phố thì bị thu nhỏ, và cư dân trong phố thì lại không “thông minh” như đã hứa hẹn.
“Tin vui” nối tiếp “tin vui”, EA xác nhận tựa game này sẽ không hỗ trợ chế độ offline, nhưng gần một năm sau đó thì EA lại lặng lẽ cập nhật tính năng này vào game, cùng với việc cho phép lưu save game vào ổ đĩa trong máy. Dù vậy, SimCity (2013) vẫn bán được hơn 2 triệu bản.
Assassin’s Creed: Unity
Một series lừng lẫy như Assassin’s Creed, sau khi ra mắt được 7 phần, đến phần thứ 8 là Unity vẫn có khả năng thành “bom xịt” như thường. Mặt của NPC (Non-player Character – nhân vật mà người chơi không điều khiển được) thì bị biến mất, fps thì rất tệ, nhân vật trong game thì có khả năng “độn thổ”, chức năng co-op thì bị lỗi.
Màn chào sân này fail đến mức Ubisoft phải phát miễn phí gói DLC đầu tiên là Dead Kings, hủy gói season pass và đền bù cho những ai đã mua bằng một trong sáu tựa game mà Ubisoft đưa ra. Nhưng để lấy game miễn phí về máy, game thủ phải mặc nhiên chấp nhận rằng họ đã từ bỏ quyền kiện tụng Ubisoft về tựa game này. Đúng như ông bà ta từng nói: “Dễ ăn của ngoại lắm!”
World of Warcraft
Blizzard đã chuẩn bị hẳn 500 nhân viên và 40 máy chủ nhằm phục vụ cho màn “chào sân” của đứa con tinh thần World of Warcraft. Tuy chỉ có một điều duy nhất: Blizzard đã “đếm thiếu” số lượng người chơi, và kết quả là server bị “ná thở”.
Hàng ngàn game thủ bị đẩy vào “phòng chờ”, thậm chí khi vào được bên trong thì lại bị đẩy ra ngoài, cho đứng xếp hàng chờ tiếp. Blizzard đã cố gắng tăng gấp đôi số lượng máy chủ, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. World of Warcraft “hot” đến mức Blizzard phải dừng việc phân phối đĩa game để chặn bớt lượng người đăng nhập vào server. Quả thật là cái gì nhiều quá cũng không tốt, anh em nhỉ?
Half-Life 2
Tương tự, với Half-Life 2, sau nhiều năm trì hoãn thì đã có rất nhiều game thủ muốn được tận tay trải nghiệm tựa game này. Vì server của Valve lúc đó không được mạnh cho lắm, nên khi bị “tấn công” bởi một đống game thủ thì nó lăn đùng ra “chết lâm sàng”.
Những ai mua đĩa game cũng bị vạ lây mấy ngày liền, bởi vì game yêu cầu phải kết nối với Steam mới chơi được, mà Steam lúc đó thì… như bên trên mình cũng đã có kể rồi đấy: banh chành. Thậm chí, khi vào trong game rồi thì họ lại tiếp tục gặp lỗi khá nghiêm trọng liên quan đến fps và âm thanh. Phải mấy tháng sau thì Valve mới sửa xong xuôi.
Diablo 3
Sau khi chờ đợi mòn mỏi trong hơn một thập kỷ, fan của dòng game Diablo thay vì nhận được phần 3 thì lại nhận được Error 37, rất nhiều Error 37 lại là đằng khác.
Đây lại là một tựa game nữa yêu cầu phải kết nối Internet khi vào chế độ chơi đơn (singleplayer), và cũng đồng thời lại là một tựa game không biết “tiên liệu” số lượng người chơi, khiến server sập lên sập xuống trong nhiều ngày liền. Dù thế, Diablo 3 vẫn là tựa game PC “bán đắt như tôm tươi” nhất với hơn 3,5 triệu bản “bốc hơi” chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ lúc ra mắt.
Battlefield 4
Ngày ra mắt của Battlefield 4 cũng là ngày game thủ phải đối mặt với cả một “mặt trận” đầy lỗi: nào là nỗi ngắt kết nối, nào là crash game, nào là đứng hình, rồi server thì bị lag khiến súng bắn một đường mà đạn bay một nẻo. Thậm chí có cả phụ kiện giảm thanh cho súng tỉa, bắn một phát là “im bặt” luôn nguyên cái server.
Sau nhiều bản vá lỗi, Battlefield 4 vẫn chưa… hết lỗi. Thậm chí còn nảy sinh thêm lỗi mới, biến người chơi thành Superman, đạn bắn vô là auto văng ra chỗ khác. Phải đến khi DICE nâng cấp server thì mọi chuyện mới tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Total War: Rome 2
Đôi lúc, có thể là do số bạn quá đen đủi nên mới gặp phải sự cố trong game. Trong khi người chơi đang thưởng thức tuyệt tác Total War: Rome 2 thì ngoài kia vẫn có một cơ số game thủ dính phải nhiều lỗi trong ngày ra mắt.
Trong đó bao gồm những lỗi liên quan đến “trí thông minh” của nhân vật trong game, game hay bị crash, texture bị lỗi, và tối ưu phần cứng PC có cũng như không. Nhiều game thủ và reviewer còn gặp trường hợp hiểm nghèo hơn: không tài nào vào game được luôn! Phải sau nhiều bản vá lỗi thì Total War: Rome 2 mới hoạt động ổn định.
Qua những ví dụ “điển hình” trên, chúng ta có thể thấy rằng dù là tựa game lớn hay nhỏ, được đầu tư ít tiền hay nhiều tiền, thì việc “rớt đài” ngay trong ngày đầu ra mắt vẫn có thể xảy ra như thường. Cũng may mà trong đa số trường hợp thì nhà phát triển đã có những nỗ lực thích đáng để sửa lỗi, nhằm đưa đến những trải nghiệm tốt nhất, xứng đáng với niềm tin mà game thủ đã kì vọng.
Nguồn: PC Gamer