Mục lục
Hoài cổ là một yếu tố có “ma lực” đối với rất nhiều ngành hàng. Người dùng thường có xu hướng chọn những thứ thân thuộc, gần gũi, và ngành công nghiệp game cũng không là ngoại lệ.
Nhiều nhà phát hành đã dùng yếu tố này để làm ra nhiều tựa game hay và đỉnh, chẳng hạn như Resident Evil 2 remake, nhưng cũng có những game fail sấp mặt như phiên bản reboot Star Wars Battlefront chẳng hạn.
Nhiều khi nhà phát hành đã quá tham lam, lợi dụng yếu tổ hoài cổ để làm ra game chỉ với mục đích “hút máu” game thủ, chứ xét về chất lượng thì rất là tệ. Sau đây là danh sách 10 tựa game hoài cổ nhưng lại thất bại thảm hại.
Star Wars: Battlefront (2015)
Fan của Star Wars đa số rất thích phiên bản game Battlefront II ra mắt vào năm 2005. Nó có cốt truyện cuốn hút, được quyền điều khiển nhân vật Jedi và Sith, và có thêm chế độ chơi mới. Do đó, fan rất mong chờ phần thứ 3 sẽ ra mắt.
Vì thế nên khi EA công bố kế hoạch cho phiên bản reboot vào năm 2013, fan đã rất háo hức. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì game thủ biết được rằng phần này chỉ tập trung chủ yếu vào mục chơi mạng, còn mục chơi đơn thì có rất ít màn, thậm chí còn chả có phần chơi chiến dịch.
Ra mắt vào năm 2015, phiên bản Battlefront reboot này hoàn toàn không có chiều sâu, nội dung thì rời rạc, còn bản mở rộng thì bị “khóa” đằng sau gói Season Pass. Game còn bị cho là chỉ hướng đến đối tượng game thủ casual, và sau đó EA cũng đã thừa nhận điều này.
Sau đó thì Battlefront II ra mắt vào năm 2017 và cuối cùng thì cũng được bổ sung thêm phần chơi chiến dịch. Và cũng chính vì thế mà Battlefield (2015) dần rơi vào quên lãng, chẳng còn ai thèm nhớ đến nó nữa.
Mighty No.9
Mighty No.9 không phải là game đầu tiên thất hứa trên Kickstarter, nhưng nó là một trong những game nổi nhất về vụ này.
Game được phát triển bởi Keiji Inafune – người đã sáng tạo ra Mega Man – và được công bố vào năm 2013 trên tinh thần là một hậu bản của series Mega Man. Series này cũng khá lâu rồi chưa có phần mới, và nhiều dự án cũng đã bị hủy.
Với phong cách đồ họa 2,5D và kêu gọi quyên góp trên Kickstarter, Mighty No.9 là một ý tưởng rất thú vị vào thời điểm đó và đã huy động được 4 triệu USD. Đã có nhiều kế hoạch được lập ra và hứa hẹn là sẽ đem game lên nhiều nền tảng khác nhau.
Nhưng dần dà thì studio phát triển game lộ rõ một điều rằng họ không đủ sức để hoàn thành dự án này, bởi vì game bị dời ngày phát hành nhiều lần và bị dính nhiều vụ lùm xùm khác nhau. Đã thế, studio này còn có ý định tung dự án thứ hai lên Kickstarter trong khi Mighty No.9 vẫn còn đang trong quá trình phát triển.
Sau đó thì nó trở thành một thảm họa truyền thông và khi ra mắt vào tháng 6/2016 thì bị game thủ phản ứng rất gay gắt với nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như không có phiên bản cho 3DS và Vita như đã hứa hẹn.
Sau đó 2 năm thì Capcom ra mắt Mega Man 11 cũng với phong cách đồ họa 2,5D. Phiên bản này được game thủ yêu thích hơn, do đó Mighty No.9 cũng theo lẽ tự nhiên mà rơi dần vào quá khứ.
Yooka-Laylee
Banjo-Kazooie là một trong những series phiêu lưu trên hệ máy N64 được yêu thích nhất, nhưng series này bị bỏ rơi trong một thời gian dài.
Với quyết tâm làm thêm phần hậu bản (trên tinh thần), một dự án Kickstarter đã được mở ra cho Yooka-Laylee. Với lời hứa đem lại cảm giác của một tựa game đi cảnh 3D như những năm 90, dự án này đã nhận được hơn 2 triệu Bảng Anh và ra mắt vào năm 2017.
Game thủ có người thích người không, nhưng hầu hết những chỉ trích đều tập trung vào hệ thống camera trong game (sau đó cũng đã được sửa lại). Tuy nó mang lại cảm giác phiêu lưu 3D kinh điển như đã hứa hẹn nhưng một số người cho rằng chính vì yếu tố này mà game cảm giác như bị lỗi thời, và không nhiều game thủ mặn mà với phần này cho lắm.
Tuy nhiên, game vẫn đủ thành công để nhà phát triển làm tiếp phần spin-off Yooka-Laylee and the Impossible Lair. Phần này ra mắt vào tháng 10/2019 và thay đổi từ thể loại đi cảnh 3D sang 2D, giúp nhận được phản hồi tích cực hơn.
Final Fantasy: All The Bravest
Nhắc đến series Final Fantasy là nhắc đến những nhân vật, chủ đề, và cơ chế gameplay ấn tượng, giúp định hình thể loại nhập vai.
Square Enix không lạ gì với ý tưởng crossover nữa (chẳng hạn như World of Final Fantasy, Dissidia và Theatrhythm), cho nên họ đã làm ra phần All The Bravest cho nền tảng điện thoại di động. Tuy nhiên, game lại có chất lượng rất tệ và được xem như là “nỗi nhục” của cả series.
Game chả có chế độ chơi theo cốt truyện, gameplay chả có chiều sâu, và tính năng bán vật phẩm (microtransaction) cũng bị lạm dụng ép game thủ phải xùy tiền ra mua những nhân vật yêu thích như Tifa Lockhart, Terra, và thậm chí là những linh vật (mascot) của series như Chocobo và Moogles.
Chung quy lại thì nó là những thứ tồi tệ nhất của gaming hiện đại nhồi nhét vào trong 1 tựa game, và nói không ngoa thì đây là một cú tát thẳng vào mặt fan của dòng game này.
Dungeon Keeper (2014)
Lúc ra mắt vào năm 1997 thì Dungeon Keeper đã bán rất chạy vì game thủ tỏ ra thích thú với yếu tố ‘dark humor’ trong game.
Bạn sẽ vào vai Keeper và bảo vệ kho báu của mình, đồng thời điều khiển binh lính để duy trì trật tự. Song song đó bạn cũng phải chiến đấu chống lại những “anh hùng” muốn lấy cắp kho báu của bạn.
Năm 1999 thì game có thêm phần hậu bản, nhưng sau đó lại không đủ nguồn lực để làm tiếp phần 3 do studio Bullfrog bị đóng cửa. Tuy nhiên, EA vẫn muốn tái khởi động dòng game này và quyết định ra mắt phiên bản reboot vào năm 2014.
Bản reboot có chơ chế gameplay bị đổi sang thể loại thủ thành (tower defense), và bị game thủ phản ánh dữ dội vì cách mà nó “hút máu” game thủ. Ngoài ra thì phiên bản này chả có tí phần hồn nào giống với những phiên bản trước đây cả.
Hơn nữa, EA còn bị cáo buộc là quảng cáo sai sự thật, buộc EA phải thêm đoạn thông tin về việc mua bán vật phẩm trong game (in-app purchases).
Nói chung đây là một mớ hỗn độn do EA chỉ muốn “hút máu” game thủ, nhưng “tiếc” là cũng chả hút được bao nhiêu.
Tony Hawk’s Pro Skater 5
Tuy Tony Hawk đã nghỉ hưu nhưng những di sản mà ông để lại là rất nhiều. Ông đã làm việc với Activision để làm ra dòng game Pro Skater từng được rất nhiều game thủ yêu thích trên các nền tảng PS1 và PS2. Đó là nhờ game có gameplay cuốn hút, cơ chế điều khiển chính xác, và phần nhạc game (soundtrack) thú vị.
Do sắp hết hạn hợp đồng với Tony Hawk nên Activision cố gắng bòn rút series này hết mức có thể với một phần cuối cùng – Tony Hawk’s Pro Skater 5 – hứa hẹn quay trở về giá trị gameplay cốt lõi.
Việc phát triển chỉ diễn ra trong vài tháng, trong khi những game khác thường mất vài năm trời. Cho nên khi game ra mắt chính thức thì nó chẳng khác gì một bản beta. Game thủ phải đợi nhà phát triển tung ra các “bản vá” để “lấp đầy” nội dung từng chút một. Đã thế, game còn bị lỗi (bug, glitches) và chẳng hề có một cấu trúc nào cả.
Game bị đánh giá chỉ có 32/100 điểm trên Metacritic. Và lẽ ra thì game này không nên tồn tại mới phải, chứ nó ra đời chỉ càng khiến game thủ căm phẫn khi nghe đến cái tên Activision mà thôi.
Warcraft III: Reforged
Blizzard gần đây bị khá là nhiều tai tiếng. Hồi đầu thì được game thủ xem như là một tượng đài trong làng game, nhưng kể từ vụ ra mắt Diablo Immortal và tuyển thủ Blitzchung game Hearthstone bị cấm thì mới đây lại có thêm Warcraft III: Reforged vào danh sách, khiến danh tiếng của hãng này bị tuột dốc không phanh.
Warcraft III: Reigns of Chaos ra mắt năm 2002 là phần game Warcraft “truyền thống” cuối cùng trước khi Blizzard chuyển sang World of Warcraft, và nó thường được xem như là một trong những tựa game chiến thuật thời gian thực hay nhất mọi thời đại.
Vì thế nên khi Blizzard công bố bản remaster của game này tại sự kiện BlizzCon 2018 thì fan cảm thấy vô cùng hào hứng và đặt kì vọng rất nhiều. Nhưng đến khi ra mắt vào tháng 1/2020 thì fan đã rất phẫn nộ vì nó không giống với những gì mà Blizzard đã hứa hẹn.
Thay vì có đồ họa HD, bản đồ được remaster, nhân vật được thiết kế mới, thì phiên bản lúc ra mắt lại chẳng làm được cái nào cả, hoặc làm được nhưng hầu như là chả khác biệt gì nhiều so vơi phiên bản gốc.
Đã thế, game còn có giá khoảng 800.00VNĐ, và trên PC thì Blizzard đã hợp nhất phiên bản này với phiên bản gốc nên game thủ có muốn quay lại cũng chả được. Đã thế ban đầu còn bị từ chối hoàn tiền nữa chứ.
Kết quả là game đã bị đánh giá với số điểm thấp nhất từ trước đến nay trên Metacritic. Đây lại là một nỗi thất vọng tràn trề đến từ một hãng game lớn được game thủ tin tưởng rất nhiều. Không biết chặng đường tiếp theo Blizzard sẽ như thế nào nữa.
Shaq-Fu: A Legend Reborn
Shaq-Fu là một tựa game đối kháng 2D từng ra mắt vào năm 1994 trên nền tảng SNES và Mega Drive, nhưng lúc đó nó phải đón nhận nhiều chỉ trích từ game thủ, dù trong game có nhân vật nổi tiếng là Shaquille “Shaq” O’Neal.
Tưởng rằng sẽ không có hậu bản, nhưng nhà phát triển vẫn cố gắng nuôi hi vọng, tin tưởng vào hình tượng nhân vật Shaq, và tạo một dự án kêu gọi quyên góp từ cộng đồng trên Indiegogo vào năm 2014.
Sau khi im hơi lặng tiếng được vài năm thì game cũng đã ra mắt vào năm 2018 trên nhiều nền tảng khác nhau. Thay đổi từ thể loại đối kháng 2D sang thể loại beat ‘em up, nó vẫn bị game thủ đánh giá rất tệ, đến nỗi phải tặng game trên Switch luôn là hiểu rồi đó.
Game thủ thích Shaq không có nghĩa là họ cũng thích những game như thế này, và vì thế nên chuyện họ quay lưng ngoảnh mặt với tựa game này cũng không có gì là lạ cả.
Alone In The Dark: Illumination
Trước khi Resident Evil “chiếm diễn đàn”, trở thành tượng đài trong làng game kinh dị thì Alone in the Dark là tựa game đã đặt những viên gạch đầu tiên cho thể loại này. Ra mắt vào năm 1992 trên MS-DOS, đây là tựa game sinh tồn – kinh dị 3D đầu tiên trong lịch sử gaming và nhận được nhiều lời phê bình tích cực.
Sau đó thì game có nhiều hậu bản và nhận được nhiều phản ứng khác nhau, nhưng đến năm 2016 thì Atari đã hồi sinh dòng game này với Alone in the Dark: Illumination. Game đã chuyển hướng và tập trung vào yếu tố co-op và chỉ có thể chơi khi đang online. Nó cho phép bạn cùng đồng đội đi giải mã các bí mật với bối cảnh kinh dị.
Game chỉ ra mắt trên nền tảng PC và nhìn giống như lai căng giữa Left 4 Dead và Resident Evil. Tuy nhiên, nó lại không hay bằng 2 game này và bị giới phê bình chê bai rất nhiều. Ý tưởng của game không được làm tới nơi tới chốn nên không thể đạt được những mục tiêu cơ bản.
Kết cục là series này bị chôn vùi một lần nữa. Sau đó series này bị THQ mua lại luôn và đến giờ vẫn chưa thấy thêm hậu bản nào hết.
Contra: Rogue Corps
Konami giờ chỉ còn là một cái bóng của ngày trước. Từng là một thế lực hùng mạnh nhưng giờ đây không còn được nổi trội cho lắm, nhất là trong mảng game cho console.
Ban đầu là màn Metal Gear Survive “fail” sấp mặt, và năm ngoái là đến lượt Contra. Contra xuất hiện lần đầu vào năm 1987, và là một tượng đài của thể loại đi cảnh “run and gun” thời 8-bit và 16-bit. Đỉnh điểm nhất của series là Contra III: The Alien Wars trên hệ máy SNES.
Do đó, game thủ cảm thấy cực kì thất vọng khi Konami tung ra Contra: Rogue Corps để hồi sinh dòng game này. Thay vì gameplay 2D như truyền thống, phần này lại chuyển sang góc nhìn từ trên xuống (top-down isometric). Tất nhiên là việc làm này đã khiến Konami phải nhận nhiều “gạch đá” từ fan do không bám sát với những giá trị cốt lõi của dòng game này.
Ngoài ra thì đồ họa trong game cũng tệ, gameplay thì cồng kềnh, và khâu hoàn thiện nói chung là rất kệch cỡm. Kết quả là game chỉ nhận được 5/10 điểm trên Steam, và 40/100 trên Metacritic.
Thay vì mua game này để tìm cảm giác hoài cổ thì tốt hơn hết là chơi phiên bản ‘anniversary collection’ luôn cho lành. Chứ mua về chỉ tổ rước bực vào thân mà thôi.
Nguồn: What Culture