Các trình giả lập có đóng vai trò lớn trong việc bảo tồn lịch sử game?

Việc bảo tồn một giá trị văn hóa, lịch sử chưa bao giờ là một việc dễ dàng và trong ngành game cũng vậy khi mà có rất nhiều những viên ngọc quý đang dần bị dòng cát thời gian chôn vùi, thế nhưng thứ giúp cứu rỗi những tựa game trên không rơi vào quên lãng lại không phải là các nhà làm game mà chính là những chương trình giả lập thứ mà họ hay lên án là một dạng chơi game không bản quyền.

trình giả lập

trình giả lập giờ đã trở nên đa dạng và thông dụng hơn bao giờ hết

Thật vậy các trình giả lập đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn lịch sử của cả ngành game. Đối với các bạn game thủ trẻ có thể sẽ cho rằng ngành game có gì đâu mà cần bảo tồn? Mấy tựa game nổi tiếng thì thế nào trong vài năm nữa cũng sẽ có bản Remaster hoặc Remake thôi thế nên muốn chơi lại khi nào chả được. Đúng là hiện nay trong ngành game đang có phong trào Remake, Remaster lại các tựa game nổi tiếng một thời nhưng không phải tựa game nào cũng may mắn được Remake, có rất nhiều tựa game hay nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các tựa game này không được làm lại (thường là do các vấn đề bản quyền do các studio làm game đã phá sản,…). Còn đối với các tựa game Remake thì không phải lúc nào bản làm lại cũng giống 100% so với bản gốc, thậm chí chúng còn chứa nhiều thay đổi khiến trải nghiệm game hoàn toàn khác so với bản gốc. Nhiều người cũng cho rằng vậy tại sao không phát hành những tựa game cũ lên các hệ máy mới? Do khác biệt quá lớn về phần cứng lẫn phần mềm nên việc port các tựa game này lên hệ máy mới khá tốn kém. Việc này có thể thấy rõ nhất trong việc ngay cả Sony cũng phải tích hợp phần mềm giả lập trong các hệ máy sau của họ. Thế nhưng đến cả Sony cũng không thể mang toàn bộ những tựa game trên PS1, PS2,…lên các hệ máy mới qua các phần mềm giả lập. Để rồi từ đó các nhà làm game cứ để mặt cho các đứa con tinh thần của mình bị kẹt trên các hệ máy cũ. Lúc này các game thủ lâu năm, các fan cứng của tựa game không còn cách nào khác ngoài trừ việc phải tải các bản giả lập ở bên ngoài cùng các tựa game yêu thích trên các trang chia sẻ rom về.

Về mặt kỹ thuật thì việc sử dụng các trình giả lập là hoàn toàn hợp lệ. Các nhà phát hành game lớn như GOG, PlayStation, Xbox và cả Nintendo (tay này là người chống lại mấy vụ giả lập mạnh mẽ nhất) đều sử dụng trình giả lập để có thể hỗ trợ tương thích ngược trên các hệ máy mới của họ. Thế nhưng vấn đề pháp lý sẽ xuất hiện khi các bạn tải BIOS của các hệ máy cũng như các tựa game, nhưng mà biết làm sao hơn khi các tựa game này không còn được bày bán rộng rãi nữa. Và thậm chí khi hỏi các nhà phát hành game thì sẽ có hai trường hợp xảy ra một là “Đợi xem chúng tôi có port game đó lên không.” Còn trường hợp thứ 2 là “các bạn cứ lên mấy web chia sẻ mà tải.” (cái câu sau là của ngài Ubisuck khi ngài lỡ làm mất toàn bộ Asset liên quan đến Prince Of Persia Sand Of Time). Vì thế đa phần các trường hợp sau khi bỏ một khoản thời gian dài chờ đợi thì ai trong chúng ta cũng phải tìm tới một trình giả lập để được quay về với tuổi thơ mà thôi. Các trình giả lập này không chỉ có thể giúp chúng ta chơi được các tựa game cũ mà còn cung cấp thêm nhiều tùy chọn về hình ảnh, âm thanh hay cao cấp hơn là hỗ trợ cả các bản mod giúp cho việc trải nghiệm game trở nên thú vị rồi từ đó giúp duy trì cộng đồng của tựa game. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng game cho các giá trị hoài cổ thì sẽ không có mấy người cảm thấy khó chịu (Trừ Nintendo). Nhưng giờ đây việc đặt câu hỏi về tính pháp lý của các trình giả lập lại một lần nữa được dấy lên khi mà các trình giả lập giờ đây dần bắt kịp các hệ máy hiện đại. Tiêu biểu như chúng ta đã có thể chơi một số tựa game Switch trên PC với chất lượng hình ảnh phải nói là vượt trội điều này dẫn tới việc các ông lớn như Sony, Microsoft và cả Nintendo một lần nữa cảm thấy mối nguy từ các trình giả lập, rồi họ lại thắt chặt hơn thậm chí áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống hơn. Điều này vô hình chung khiến cho việc giả lập game ngày một khó khăn.

trình giả lập

Hiện rất nhiều người xem trình giả lập như một lựa chọn để chơi game không tốn tiền hơn là để chơi lại những tựa game cũ

Chúng ta cần phải hiểu một điều rằng càng về sau thì việc sở hữu một bản vật lý của game sẽ càng khó khi mà mọi thứ đang dần tiến tới việc số hóa, thậm chí giờ đây Sony và Microsoft đã mạnh dạng bỏ đi ổ đĩa trong một số phiên bản máy của mình điều này dẫn tới việc chúng ta trong tương lai có thể chỉ có thể mua game thông qua các store digital mà thôi. Vấn đề đặt ra các store này cũng sẽ tới một thời điểm nào đó không hỗ trợ cho các hệ máy nữa đi kèm với chúng sẽ là hàng loạt tựa game không thể chơi được và nếu tình hình các nhà làm game liên tục ngăn cản việc giả lập thì việc trong tương lại chúng ta sẽ khó có cơ hội trải nghiệm nhưng tựa game mà mình từng yêu thích. Để ngăn cản điều đó thì việc chúng ta nên làm nhất vẫn là chỉ nên sử dụng các trình giả lập khi đó là giải pháp cuối cùng chứ không phải là lựa chọn đầu tiên nhằm tiết kiệm chi phí khi chơi game và luôn hãy ủng hộ những tựa game mình yêu thích để các nhà làm game chân chính có thể tồn tại giữa môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt này.

Leave a comment